Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Nhiều tiềm năng phát triển du lịch giáo dục

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch giáo dục

Sau khoảng 8 tháng vận hành thử nghiệm các tour du lịch giáo dục đã cho thấy khả năng phát triển sản phẩm du lịch này ở Huế. Tại hội thảo tham vấn chuyên gia được Khoa Du lịch, Đại học (ĐH) Huế tổ chức sáng 5/1, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch và các doanh nghiệp cho rằng, tiềm năng du lịch giáo dục tại Huế lớn nhưng phải nghiên cứu, cải tiến để tạo hiệu quả hơn.

Trải nghiệm tour du lịch giáo dục

Nhiều tiềm năng

Từ giữa năm 2018, Khoa Du lịch, ĐH Huế triển khai chương trình du lịch giáo dục ở Huế với hai tour chính là “Huế – xưa và nay” (1/2 ngày) và “Huế – thương nhớ ngàn năm” (một ngày). Hành trình các tour tập trung đi đến các điểm: Trường Quốc Tử Giám (Đốc Học Đường), ĐH Huế, Trường THPT Chuyên Quốc học, Trường THPT Hai Bà Trưng, Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế và Văn Thánh. Ngoài ra, có một số điểm khác là chùa Thiên Mụ, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân.

Quá trình thử nghiệm đã thu hút hơn 1.100 khách, gồm cả sinh viên và du khách nội địa, đồng thời tiếp cận khảo sát và đưa ra các đánh giá về chương trình du lịch của các tour. Kết quả này cho thấy, mức độ hài lòng cao của tour “Huế – xưa và nay” đạt 52% (mức độ hài lòng rất cao là 15%). Tương tự, ở tour “Huế – thương nhớ ngàn năm” đạt 54% (mức độ hài lòng rất cao là 18%).

Con số trên theo đại diện Khoa Du lịch và các chuyên gia đã phần nào khẳng định tiềm năng của sản phẩm du lịch mới này. Theo các chuyên gia, Huế có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch giáo dục. Ngoài những địa điểm trong tour, có thể lồng ghép, kết hợp các điểm như di tích lịch sử Chín Hầm, các bảo tàng bởi tự thân trong du lịch đã có giáo dục, việc giáo dục văn hóa, lịch sử là rất ý nghĩa.

Đại diện Khoa Du lịch và các chuyên gia trao đổi nhiều vấn đề về tour du lịch giáo dục 

Thầy Thích Hương Yên, Tổng Thư ký Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế cho biết, điểm đáng mừng là thời gian gần đây, không chỉ sinh viên mà các cựu học sinh, học viên, người lớn tuổi tìm về Học viện Phật giáo để tìm hiểu rất lớn. Khi khai thác tour du lịch giáo dục, khu vực này có thể kết hợp 3 điểm gần nhau là Trung tâm Văn hóa Huyền Trân – di tích lịch sử Chín Hầm và Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế. Đặc biệt, lượng khách vào thời điểm đầu năm khi diễn ra lễ hội Đền Huyền Trân là rất lớn.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, hiện nay không chỉ thị trường khách du lịch trong nước mà du khách nước ngoài cũng đang có nhu cầu về loại hình du lịch giáo dục, trong có công ty và du khách từ Nhật Bản. Phía trung tâm sẵn sàng hỗ trợ về dịch tiếng Nhật.

Một trong những thuận lợi theo đại diện các công ty lữ hành, du lịch là chính sách ưu đãi vé cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, với điều kiện mạng xã hội phát triển thì khả năng tiếp cận của đối tượng trẻ này với các thông tin về tour du lịch là rất tốt.

Ths. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng Bộ môn Lữ hành, Khoa Du lịch cho rằng, thời gian tới, có thể thử nghiệm mở thêm các tour du lịch học đường, chú trọng tính trải nghiệm rất phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên hiện nay.

Chú ý chất lượng và hiệu quả đầu ra

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ các tour thử nghiệm và điều kiện sẵn có, theo các chuyên gia, cần phải có nhiều điểm phải nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm du lịch giáo dục và thương mại hóa được. Điều cốt lõi trong du lịch giáo dục là làm cho giá trị của giáo dục tăng lên. Bối cảnh hiện nay, học sinh, sinh viên chưa có thói quen tham quan bảo tàng, còn hạn chế trong việc tiếp cận các giá trị về di sản, lịch sử, giáo dục nên cần xây dựng chương trình cho nhóm đối tượng học sinh từ tiểu học đến ĐH, có thể đưa vào chương trình học tại trường học.

Đầu ra sản phẩm luôn là yếu tố quan trọng. Theo các chuyên gia, việc tạo ra sản phẩm không khó nhưng để sản phẩm “sống được” cần nghiên cứu kỹ. Tour du lịch giáo dục thử nghiệm dựa trên lực lượng hướng dẫn viên du lịch là sinh viên thực hành nghề nghiệp nên tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng về hướng dẫn viên còn hạn chế. Điều này, cần sự thay đổi rất lớn khi muốn phát triển tour.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, nội dung thuyết minh và chất lượng hướng dẫn viên rất quan trọng, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả tour. Hiện nay, Sở đang làm bộ thuyết minh chuẩn. Phía Khoa Du lịch cũng nên chủ động xây dựng các nội dung thuyết minh một số điểm du lịch giáo dục, gửi cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người có liên quan để kiểm tra tính xác thực thông tin, làm sao để thuyết minh chuẩn mực. Đối tượng học sinh, sinh viên cần tiếp cận những thông tin ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu.

Để chuyển giao và để các doanh nghiệp có thể tiếp nhận, bán được tour, theo ông Trương Thành Minh, sau khi sản phẩm này hoàn thiện, Khoa Du lịch có thể chuyển giao cho Hội Lữ hành. Trong Hội Lữ hành có nhiều doanh nghiệp, và việc chuyển giao này sẽ giúp thông tin đến hiệu quả hơn với các doanh nghiệp có mục tiêu khai thác.

Ngoài ra, muốn tạo hiệu quả đầu ra, việc quảng bá, truyền thông là rất quan trọng. Các sản phẩm du lịch muốn thu hút du khách, nên có bài báo quảng bá, giới thiệu. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngoài việc nên phối hợp với các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí trong tỉnh như Báo Thừa Thiên Huế hay Đài Phát thành và truyền hình tỉnh, về phía Sở Du lịch sẵn sàng bảo trợ thông tin, giới thiệu thông tin chính thống về tour trên trên web của sở và có thể chia sẻ giới thiệu trên Báo Du lịch của Tổng cục Du lịch. Sở đang có chương trình định kỳ 2 tuần 1 lần là ống kính du lịch. Khi sản phẩm du lịch giáo dục hoàn thiện, đơn vị cũng có thể hỗ trợ.

Nguồn: www.baothuathienhue.vn

About admin

Tin liên quan

Công khai thời gian, địa điểm, toàn văn luận án và tóm tắt luận án, tính mới luận án bằng tiếng Việt và tiếng Anh của nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Tuệ Quang, Khóa năm 2021, ngành Du lịch

Căn cứ điều 22 của Quyết định số 1695/QĐ-ĐHH ngày 20 tháng 12 năm 2019 …