Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Nữ sinh phải dùng đề thi trên giấy A3 năm xưa vừa tốt nghiệp thủ khoa đại học

Nữ sinh phải dùng đề thi trên giấy A3 năm xưa vừa tốt nghiệp thủ khoa đại học

Năm 2019, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết về thí sinh đặc biệt Huỳnh Ngân Giang (Huế) thi tốt nghiệp THPT bằng bộ đề thi in trên khổ giấy A3. Bốn năm sau, cô đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng thủ khoa xuất sắc.

Huỳnh Ngân Giang và bộ đề thi tốt nghiệp THPT trên giấy A3 vào năm 2019 - Ảnh: NHẬT LINH

Huỳnh Ngân Giang và bộ đề thi tốt nghiệp THPT trên giấy A3 vào năm 2019 – Ảnh: NHẬT LINH

Ít ai biết rằng để chạm đến ước mơ, cô nữ sinh mang trên mình “chứng bệnh lạ” viêm màng bồ đào đã phải nỗ lực hơn 200% sức lực.

Những người bạn đặc biệt

Bốn năm trước, Huỳnh Ngân Giang, khi đó là học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế), tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT với một đề thi đặc biệt. Giang mắc căn bệnh hiếm viêm màng bồ đào (một căn bệnh tự miễn về mắt) khiến em không thể nhìn rõ mọi vật và cũng không thể đeo kính khúc xạ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị riêng cho Giang một bộ đề thi trên khổ giấy A3. Kết quả Giang đạt 22,6 điểm khối D, trở thành người có điểm đầu vào cao nhất của ngành du lịch điện tử khoa quản lý sự kiện và công nghệ truyền thông Trường Du lịch (Đại học Huế).

Đời sinh viên của Giang gắn liền với những người bạn rất đặc biệt. Bệnh tình không thuyên giảm khiến Giang không thể nhìn rõ được các bài giảng của giáo viên trên bảng dù đã chọn ngồi bàn đầu.

“May mắn em có những người bạn rất tuyệt vời, đó là Minh Trang, Hải Yến… Những người bạn đã làm “tai mắt”, đọc bài giảng từng câu, từng chữ thầy cô viết trên bảng cho em chép lại vào vở”, Giang chia sẻ.

Không ít lần các thầy cô trên lớp ngỡ Giang cùng chúng bạn đang nói chuyện trong giờ học và nhắc nhở. Khi được nhóm bạn giải thích, các thầy cô đã không khỏi xúc động và gửi toàn bộ bài giảng trên lớp cho Giang ôn tập.

Một “người bạn” không thể thiếu của Giang chính là chiếc điện thoại di động. Có những môn học thầy cô chỉ chép bài trên bảng con mà không có slides, Giang đều cẩn thận chụp ảnh lại toàn bộ những bài giảng của thầy cô trên lớp.

Về đến nhà, Giang mở điện thoại ra để chép lại đầy đủ những kiến thức trên bảng mà em không nhìn được vào vở. Mỗi bận thi kết thúc môn, màn hình điện thoại được zoom rộng ra hết cỡ để Giang đọc từng chữ viết.

Huỳnh Ngân Giang tốt nghiệp thủ khoa - Ảnh: NVCC

Huỳnh Ngân Giang tốt nghiệp thủ khoa – Ảnh: NVCC

“Nhìn xuống” thay vì “nhìn lên”

Trong bốn năm học, Giang đã trải qua hai lần phẫu thuật và nhiều lần tiểu phẫu để duy trì thị lực mắt. Cứ mỗi lần nhập viện, cảm xúc tiêu cực lại tìm đến, giày vò cô sinh viên đầy nghị lực. Giang sợ sau cuộc phẫu thuật, đôi mắt vốn chỉ nhìn được mọi vật đầy hư ảo bỗng chốc tối sầm lại. Ước mơ được đi du lịch mọi nơi của cô gái trẻ sẽ không thể thực hiện được. Giang sợ bóng tối sẽ bủa vây.

May mắn là mọi việc đều ổn, Giang xuất viện trong tình trạng mắt vẫn khá yếu. Thế nhưng còn nhìn thấy ánh sáng, còn được nhìn thấy những người thân yêu bên mình, đối với Giang như vậy là quá đủ.

“Em nghĩ còn nhiều người thiếu may mắn hơn em ở ngoài kia, có người còn chẳng nhìn được gì. Thay vì “nhìn lên” để than trách số phận kém may mắn rồi nhận lấy những suy nghĩ tiêu cực, em cố gắng dặn mình phải “nhìn xuống” để thấy mình còn may mắn chán”, Giang chia sẻ bí quyết vượt qua mọi khó khăn.

“Ông Trời chẳng lấy đi hết của ai thứ gì” – đó là điều mà Giang luôn lặp đi lặp lại trong suốt cuộc trò chuyện. Ngoài cha mẹ, những người bạn tốt, những thầy cô đã cùng Giang vượt qua mọi nghịch cảnh thì theo Giang, “chứng bệnh viêm màng bồ đào cũng từng giúp em vượt khó đấy!”.

Số là trước khi thực hiện bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước hội đồng giám khảo, Giang đã rất run dù chuẩn bị bài thật kỹ. Run hơn nữa khi Giang nghe những thí sinh cùng bảo vệ khóa luận kể họ đã run tới mức nói vấp khi nhìn thấy ánh mắt nghiêm nghị của các giảng viên thuộc hội đồng chấm khóa luận.

“Do em bị bệnh, không thể nhìn rõ mặt các thầy cô bên dưới như thế nào nên tự tin hơn hẳn, cứ vậy mà trình bày những gì mình đã chuẩn bị. Nói vậy để thấy cuộc sống vui hay buồn, tích cực hay tiêu cực đều do góc nhìn cá nhân của mình quyết định”, Giang kể.

Buổi bảo vệ khóa luận thành công. Ngân Giang chính thức tốt nghiệp và trở thành thủ khoa của ngành học. Dù chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng Giang đã được nhận vào thử việc ở một công ty du lịch tại Huế.

Hành trình đầy nghị lực

Thầy Lê Văn Hòa – phụ trách khoa quản lý sự kiện và công nghệ truyền thông, Trường Du lịch, Đại học Huế – nói rằng câu chuyện của Ngân Giang là cả một hành trình đầy nghị lực.

“Cô sinh viên thủ khoa của tôi thật đáng để mọi người nể phục. Mọi cố gắng của em đã được đền đáp xứng đáng bằng kết quả học tập của mình”, thầy Hòa nói.

Cảm ơn Tuổi Trẻ!

Sau khi câu chuyện của em được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, có rất nhiều người đã chủ động liên hệ với em để chia sẻ, động viên. Đặc biệt trong số đó có rất nhiều bệnh nhân bị mắc cùng căn bệnh viêm màng bồ đào như em. Em cùng những người bạn đó đã tâm sự rất nhiều về hoàn cảnh của mình, được giãi bày những cảm xúc với những người cùng cảnh ngộ và đều nhận thấy rằng mình không cô đơn. Cũng nhờ vậy đã tiếp thêm cho em nhiều động lực để lạc quan hơn.

Xin cảm ơn Tuổi Trẻ!

HUỲNH NGÂN GIANG

Nguồn: https://tuoitre.vn

About admin

Tin liên quan

Mô hình hỗ trợ người học của Trường Du lịch – Đại học Huế: Cánh cửa mở ra bầu trời mới

Cánh cửa mở ra bầu trời mới đã giúp khám phá thêm tri thức, để …