Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / Trong khó khăn chung, du lịch, dịch vụ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

Trong khó khăn chung, du lịch, dịch vụ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

Quý 1/2023, khu vực dịch vụ, du lịch đạt tăng trưởng 6,79%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP nền kinh tế (3,32%), qua đó đóng góp tới 95,91% trong tăng trưởng chung.

Du lịch đóng góp lớn trong phục hồi hoạt động dịch vụ, tăng trưởng kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga – Ukraine kéo dài…

Trong bối cảnh đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Tính chung quý I năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, đáng mừng là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%. Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua.

Nỗ lực đưa ngành du lịch trở lại “đường ray” tăng trưởng

Kết quả tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực du lịch, dịch vụ đến từ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, nỗ lực vượt khó của ngành du lịch Việt Nam. Năm 2022, tận dụng cơ hội sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3, toàn ngành đã tập trung tái khởi động các hoạt động sôi nổi theo 2 chương trình “Live fully in Vietnam” hướng tới thị trường khách quốc tế và “Du lịch an toàn, Trải nghiệm trọn vẹn” hướng tới thị trường khách nội địa do Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Vai trò định hướng, dẫn dắt của cơ quan quản lý du lịch quốc gia đã thể hiện rõ rệt trong việc điều phối các hoạt động phát động thị trường, liên kết vùng, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số mạnh mẽ… cùng sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp.

Nhờ đó, ngành du lịch đã có sự phục hồi rất tích cực, đặc biệt du lịch nội địa phục hồi ngoạn mục, đạt 101,3 triệu lượt khách trong năm 2022, vượt xa mục tiêu 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm và cũng cao hơn cả con số kỷ lục 85 triệu lượt của năm 2019. Du lịch nội địa đã thực sự trở thành bệ đỡ cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế ở khu vực châu Á còn nhiều hạn chế. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra là 5 triệu lượt khách, nhưng cũng đã mang lại tín hiệu tích cực từng bước phục hồi.

Trong những tháng đầu năm 2023, tiếp nối đà phục hồi của năm 2022, toàn ngành đã tập trung triển khai các giải pháp tiếp tục kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá, đổi mới sản phẩm để thu hút khách. Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện nỗ lực và cam kết hội nhập với sự phục hồi của thị trường du lịch toàn cầu, khẳng định hiệu quả trong tập hợp lực lượng, tạo sức mạnh chung cho du lịch Việt Nam ở các sự kiện lớn mang tính toàn cầu.

Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 29,7 lần so với cùng kỳ năm trước, đã đạt 1/3 mục tiêu cả năm 2023 (8 triệu lượt). Tổng số khách du lịch nội địa đạt 27,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 132,7 nghìn tỷ đồng. Khởi đầu tích cực trong quý 1 mở ra triển vọng sáng sủa cho ngành du lịch trong năm nay.

Chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch

Ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì 2 hội nghị rất quan trọng là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (tháng 12/2022) và Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” vào ngày 15/3/2023 – đúng 01 năm sau ngày Việt Nam mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch.

Zalo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo đánh giá về kết quả phát triển du lịch thời gian qua và chủ động đề xuất các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi. Trong đó đặc biệt là các đề xuất về tạo thuận lợi cho đi lại, thị thực, xuất nhập cảnh vào Việt Nam, cũng như các giải pháp về xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, kết nối hàng không, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, chuyển đổi số, nhân lực du lịch… Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được sự đánh giá cao, đồng tình của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cùng chung tay đóng góp ý kiến về các giải pháp cho du lịch phục hồi.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả ngành du lịch đạt được trong những năm qua, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn của ngành, qua đó đã có những chỉ đạo toàn diện nhằm phục hồi và phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau hội nghị toàn quốc về du lịch, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phục hồi và phát triển du lịch.

Ngày 24/3, Thường trực Chính phủ đã họp chuyên đề về việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Thường trực Chính phủ kết luận sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) đối với 03 nội dung: (i) Nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; (ii) Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; (iii) Nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Zalo

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ảnh: TITC)

Gần đây nhất, ngày 31/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Liên quan đến nội dung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho du lịch quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về sửa đổi chính sách xuất nhập cảnh, thị thực đối với khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển.

Bên cạnh đó, đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc khơi thông hoạt động du lịch qua lại giữa hai nước. Kết quả là từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc đã chính thức nối lại các chương trình du lịch theo đoàn đến Việt Nam. Vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã khởi động tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia – Sáu điểm đến” nhằm tăng cường trao đổi khách giữa hai bên.

Có thể nói, đây thực sự là những tin rất vui đối với toàn ngành du lịch Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cũng như sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho du lịch. Kỳ vọng rằng, những cơ chế, chính sách mới được ban hành trong thời gian tới sẽ là động lực quan trọng để ngành du lịch đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển, đóng góp tích cực hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: https://rd.zapps.vn

About admin

Tin liên quan

Thay đổi trong đào tạo nhân lực du lịch để đáp ứng xu thế chuyển đổi số

Để giải quyết sự thiếu hụt, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, phải …