Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / WEF: 8 yếu tố then chốt của nền giáo dục 4.0

WEF: 8 yếu tố then chốt của nền giáo dục 4.0

Báo cáo mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã chỉ ra 8 yếu tố then chốt về nội dung học tập và thực hành để tạo ra một môi trường giáo dục chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay “giáo dục 4.0.

Ảnh: WEF.

Ảnh: WEF.

Trong bối cảnh việc làm không ổn định, nhu cầu về các kỹ năng mới và sự phân cực kinh tế – xã hội (socioeconomic polarization) gia tăng, hệ thống các trường tiểu học và trung học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo những công dân toàn cầu, phù hợp với thị trường lao động tương lai. Do đó, các mô hình giáo dục phải luôn thích ứng để trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết nhằm tạo ra một thế giới toàn diện, gắn kết và hiệu quả hơn.

Trong báo cáo “Schools of the Future: Defining New Models of Education for the Fourth Industrial Revolution” công bố ngày 14/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã chỉ ra 8 yếu tố then chốt về nội dung học tập và thực hành để tạo ra một môi trường giáo dục chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay “giáo dục 4.0”:

1. Kỹ năng công dân toàn cầu

Giáo dục 4.0 cần trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng và nhận thức về một thế giới rộng lớn hơn quốc gia mình đang sống để tạo ra những công dân toàn cầu – những người hiểu rõ các vấn đề của thế giới và cùng tham gia tích cực vào cộng đồng thế giới để giải quyết các vấn đề này.

2. Kỹ năng đổi mới và sáng tạo

Bao gồm các nội dung học tập giúp bồi dưỡng, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của người học, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo và phân tích hệ thống.

3. Kỹ năng công nghệ

Bao gồm nội dung đào tạo nhằm phát triển các kỹ năng kỹ thuật số. Ví dụ: lập trình, trách nhiệm số (digital responsibility) và sử dụng công nghệ.

4. Kỹ năng giao tiếp

Bao gồm nội dung tập trung vào trí tuệ cảm xúc cá nhân, trong đó có sự đồng cảm, hợp tác, đàm phán, lãnh đạo và nhận thức xã hội.

5. Học tập cá nhân hóa và tự học

Chuyển từ một hệ thống giáo dục được chuẩn hóa chung cho tất cả mọi người sang một hệ thống dựa trên nhu cầu cá nhân, năng lực của từng học sinh, và nó đủ linh hoạt để cho phép mỗi người tiến bộ theo tốc độ của riêng mình.

6. Chương trình học dễ tiếp cận

Với sự trợ giúp của công nghệ, học tập trong thời đại 4.0 không chỉ hạn chế trong không gian trường học mà được mở rộng ra cho tất cả mọi người có nhu cầu thông qua các hình thức học online, học tập theo dự án cùng với các bạn ở nhiều quốc gia khác nhau qua kết nối internet…

7. Học tập dựa trên giải quyết vấn đề và sự hợp tác

Chuyển đổi từ những mô hình giáo dục truyền thống sang những phương pháp giáo dục mới như học tập theo vấn đề (problem-based learning) và học tập theo dự án (project-based learning). Những phương pháp này đòi hỏi người học phải hợp tác ngang hàng và phối hợp trực tiếp với nhau trong quá trình học. Đây là kỹ năng cần thiết của người lao động trong thời đại 4.0.

8. Học tập suốt đời

Rất nhiều kiến thức học sinh được trang bị ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời trong tương lai gần. Vì vậy, mô hình giáo dục trong thời đại 4.0 cần tạo điều kiện cho người học có cơ hội được học tập suốt đời. Mọi người sẽ liên tục cải thiện các kỹ năng hiện có và tiếp thu những kỹ năng mới dựa trên nhu cầu cá nhân của họ.

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn

About admin

Tin liên quan

Khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đột biến

Tháng 5, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu người, tăng …